MAY SUIT ĐẸP CHỈ VỚI KHOẢNG HƠN 6 TRIỆU ĐỒNG

Monday,
10/06/2019
1

May suit đẹp chỉ với 300USD ở Việt Nam, quả là một đề tài đủ độ thú vị để chúng ta cùng bàn luận dù bạn đọc có đồng tình hay không với những chia sẻ dưới đây.



Về con số 300USD – khoảng hơn 6 triệu đồng: Khoản ngân sách này là mức chi không quá ít, cũng chẳng quá nhiều nếu bạn là chuyên viên mặc suit đến công sở hay một ứng viên đang cần chỉn chu cho buổi phỏng vấn quan trọng. Phạm vi đề cập của bài viết phản ánh quan sát và trải nghiệm thực tế của người viết; không bao gồm các dòng suit hàng hiệu may sẵn hay những bộ suit chuẩn bespoke – điều sẽ được bàn đến trong một dịp khác.


 

 

>>>>> “Suit” là gì?

Sẽ là thừa nếu nhắc lại về tầm quan trọng của com-lê (sau đây sẽ thống nhất gọi là “suit”) – điểm nhấn không thể thiếu trong tủ quần áo của bất cứ gã đàn ông nào. Vì nhiều lý do, bạn có thể ít mặc suit nhưng việc sở hữu một bộ suit tốt là cần thiết bởi bạn không bao giờ biết lúc nào thì cần đến chúng.

Phải thừa nhận rằng, dù muốn hay không, vẻ bề ngoài luôn có tác động nhất định lên đánh giá về người khác của mỗi chúng ta. Sẽ rất đáng tiếc nếu bạn tự tay bỏ đi cơ hội “đánh chiếm” cảm tình của người xung quanh bằng lối ăn vận tuềnh toàng. Khi đàn ông khoác lên người loại trang phục có tính biểu tượng này, anh ta mang một thông điệp rất rõ ràng: sự nghiêm cẩn và trí tuệ.


 

 


Vậy câu hỏi đặt ra là bạn đã có được một bộ suit tốt chưa? Chúng là đồ may sẵn hay là lễ phục ngày cưới của bạn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm thế nào để có được một bộ suit thực sự tốt, với ngân sách hạn hẹp (so với chất lượng) đến khó tin: chỉ 6 triệu đồng!

1. May sẵn (ready-to-wear) hay may đo (made-to-measure)?
Hãy đặt may. Một bộ suit tốt phải thật vừa vặn, tiêu chuẩn gần như bất khả thi với suit may sẵn. Chúng nên được may theo số đo hình thể của riêng bạn để tôn vóc dáng hoặc che khuyết điểm. Không phải ai trong chúng ta cũng như Jude Law, khoác lên một bộ bất kỳ và ngay lập tức hút hồn chị em.

[​IMG]
Christopher Walken đóng vai thợ may trong phim quảng cáo cho Jack & Jones. Trông có “dễ gần” như thợ may Việt Nam không? | Ảnh: Jack & Jones.

2. May suit kiểu gì?
Suit hai khuy, ba khuy, kiểu Ý, Anh, Mỹ, hay vạt chéo (double breasted). Đây là câu hỏi khó ngay cả với các “cao thủ”. Đáng buồn, từ kinh nghiệm thực tế của người viết, ranh giới giữa suit kiểu Anh, Ý hay Mỹ ở Việt Nam là vô cùng mỏng manh. Một chiếc áo vest được may với cầu vai vểnh cao mái dốc (pagoda shoulder) – đặc trưng của suit Ý, là điều quá xa xỉ. Thợ cắt may của chúng ta có lẽ không mấy để tâm tới điều này. Hoặc giả, do xu hướng hòa trộn phong cách của thời đại này mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có thể dễ dàng bắt gặp nơi công sở một bộ suit dạng “lẩu thập cẩm” với phần ve áo nhỏ (lapel) khoảng 6cm, thân áo hai đường xẻ cùng ticket pocket (túi phụ nằm trên túi chính, để đựng vé xem nhạc kịch ở các bộ suit kiểu Anh truyền thống), ngực nở rộng cùng thân áo ôm sát hình chữ V.


 

 


Vậy nên, may suit theo kiểu nào (“shape your suit”) không nên được coi là câu hỏi ở đây. Câu hỏi phù hợp hơn là dáng vóc bạn thế nào (“suit your shape”)? Hãy khẳng khái thừa nhận đặc điểm hình thể của mình, cao thấp, gầy hay béo… Suit có những chuẩn mực của riêng nó, bằng vài điều chỉnh thích hợp của người cắt, bộ suit hoàn toàn có thể hòa hợp với vóc dáng của bạn.

Một băn khoăn thường gặp khác, bạn muốn gì, hay nói cách khác là bạn muốn mình trông thế nào trong bộ suit, hãy cân nhắc vài gợi ý sau đây từ kinh nghiệm của người viết:

– Suit một khuy (tux): Chỗ duy nhất mà những bộ suit loại này thuộc về là trên thảm đỏ, hoặc trong những dịp lễ lạt đặc biệt trang trọng như lễ cưới mà bạn là nhân vật chính.

– Suit hai khuy: Loại suit chuẩn mực mang tính biểu tượng. Hãy nhớ là dù phom người bạn thế nào thì một bộ suit hai khuy đều phù hợp. Ve nhọn khiến bầu ngực trông lớn hơn và uy quyền hơn, ve xẻ chữ V đi cùng bản ve nhỏ sẽ giúp bạn có được hình ảnh của một chàng trai thức thời. Theo quan sát của người viết, trong thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của những bộ suit với ve nhọn.

– Suit ba khuy: Loại suit này đang quay trở lại (có thể thấy qua bộ sưu tập của nhà Hermès mùa Thu Đông 2014) và sẽ còn xuất hiện nhiều trong thời gian tới.

– Suit vạt chéo (double breasted): Việc có cho mình một bộ suit kiểu này chính là màn “nâng cấp” hoàn hảo với thông điệp: Tôi đã trưởng thành. Không những tạo ra sự khác biệt, chúng còn che khuyết điểm cực tốt cho những người mặc có thân hình mảnh dẻ.

[​IMG]
Từ trái qua phải: Suit mùa Thu Đông 2014 của Canali, Hermès và Angelo Galasso

Lời khuyên: Đừng ngại học hỏi ở những người mặc đẹp. Thỉnh thoảng nên dành chút thời gian dạo qua các bộ sưu tập trong tuần lễ thời trang hàng năm, ghé thăm trang chủ của Burberry, Thom Sweeney hay Canali, Dolce Gabbana của Ý (đội bóng của họ bị loại sớm khỏi World Cup vừa qua nhưng họ vẫn là nhà vô địch thế giới về suit)… Chọn ra vài mẫu ưng ý, in ra ảnh và cầm đến cho người thợ may: “Tôi muốn chính xác một bộ như thế này.” Đừng quên kèm một nụ cười thật tươi. Đây là cách mà người viết thường áp dụng và nó đạt hiệu quả cực tốt với chi phí, đôi khi, chỉ là một tách café ngon.

>>>>> Đếm khuy mà khoác áo!

 

 


3. Nên chọn vải gì?
Những bộ suit minh họa trong bài có làm bạn mảy may động lòng? Bạn chọn màu sắc tươi trẻ hay kẻ sọc lạ lẫm? Tìm hiểu về chất liệu trước khi may sẽ giúp bạn hình dung được bộ suit trước khi chúng hoàn thiện và bảo quản tốt hơn trong quá trình sử dụng đấy!

– Nếu là bộ suit đầu tiên: Bạn có thể sẽ mặc nó đi làm, dự lễ cưới cậu bạn thân, mặc với quần kaki, chinos… Tóm lại, bộ suit này thường được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Lựa chọn tối ưu trong trường hợp này là vải xanh navy (midnight blue). Trái với suy nghĩ phổ biến, với những bộ suit kiểu này bạn nên tránh vải màu đen hoặc màu xám. Màu đen là màu có tính nghiêm trọng, trong khi mầu xám thì tẻ nhạt.

– Bạn muốn một chút màu sắc? Quá tốt. Xu hướng hiện tại đang là “color suit”. Nếu bạn cho rằng những bộ suit màu sắc là thiếu nghiêm túc để có thể diện chốn văn phòng thì hãy nghĩ lại. Cá nhân người viết vẫn thường xuyên mặc suit màu xanh phấn (powder blue) đến công sở và nhận được những đánh giá tích cực từ đồng nghiệp.

Tham khảo: Màu xanh là màu mà hầu hết các sắc độ của nó đều đẹp và dễ mặc. Có nhiều màu khác cũng rất thú vị như màu nâu hay đỏ nâu (oxblood), tuy nhiên với làn da châu Á và sự khác biệt văn hóa, chúng tỏ ra không thật hợp với chúng ta. Vậy nên hãy lựa màu sắc cho bộ suit thật tinh tế, như người đầu bếp giỏi thêm một chút gia vị để món ăn ngon hơn, nhưng quá tay thì hỏng.

– Cũng đa dạng như màu sắc là vải kẻ ô (plaid). Loại vải này cũng đem đến sự bổ sung thú vị cho bộ sưu tập suit của bạn. Có một quy tắc đơn giản và kinh điển là màu đường kẻ phải “nhuyễn” với màu cơ bản của vải; độ lớn của ô kẻ vuông phải tỉ lệ thuận với hình thể của bạn (với những ai có thân hình thanh mảnh, vải kẻ ô to một chút sẽ giúp người đậm hơn). Nhìn chung, hãy chọn những ô kẻ to vừa phải. Chắc chắn, bạn không muốn bị nuốt chửng với những ô vuông to như cửa sổ đâu.

– Vải kẻ sọc (pinstripe): Đem lại vẻ quyền uy cho người mặc. Tuy nhiên, nếu không có vóc dáng thật to lớn thì bạn không nên chọn vải kẻ sọc.

– Họa tiết hoa, chấm bi, vải nhung, trắng “tinh khôi”: Đừng!

[​IMG]
Bạn vẫn khăng khăng chỉ muốn một bộ suit mầu đen hoặc xám?

Lời khuyên: Về cơ bản vải nhẹ hơn là tốt hơn. Bạn có thể chọn vải có sẵn của nhà may hoặc tự mua. Khi chọn, nhớ thử bề mặt vải và đề nghị người bán hàng cho phép bạn ướm thử xúc vải lên vai để hình dung xem màu sắc của bộ suit có phù hợp không. Vải cotton và linen phù hợp với khí hậu Việt Nam hơn cả, chúng đủ nhẹ và mát để có thể mặc trong những ngày hè. Vải tuýt (tweed) rất đẹp nhưng không thật hợp với thời tiết nhiệt đới, sẽ là đáng tiếc nếu bạn có một bộ suit đẹp nhưng lại chỉ mặc được nó vào mùa đông. Len (wool) có những phẩm chất tuyệt vời và đẹp, nhưng theo quan sát của tác giả, tương đối khó để có một bộ suit với vải len chất lượng tốt trong phạm vi ngân sách của đề bài (6 triệu đồng).

Chỉ nên chọn loại vải đẹp, chất lượng tốt (thường có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng/mét). Một bộ suit cần khoảng 4 mét vải. Tiền công may (ở những cửa hàng mà người viết điểm qua phía dưới) vào khoảng 2,5 – 4 triệu đồng/bộ.

Chú ý: Tránh chọn vải có bề mặt bóng. Việc đứng dưới nắng và “tỏa sáng lấp lánh” như anh chàng ma cà rồng Edward không phải là ý tưởng hay ho lắm. Ngoài ra, việc trang bị một số kiến thức (về vải) cũng rất thú vị. Hãy tưởng tượng khi một cô gái hỏi về bộ suit kẻ đang mặc, bạn nhún vai trả lời với vẻ lơ đễnh có chủ đích: “Đây là họa tiết Prince of Wales”. Nghe tuyệt phải không?

 

 


4. Tốt rồi, tôi nóng lòng muốn gặp thợ may rồi đấy!
Đây là phần thú vị nhất của câu chuyện. Nó dễ mà cũng rất khó: làm thế nào để truyền đạt đầy đủ ý muốn của mình đến người thợ cắt may? Hãy cùng điểm qua vài nhà may mà người viết đã từng trải nghiệm:

– Văn Hùng Comple (số 33 ngõ Thọ Xương): Có kỹ thuật cực tốt (học cắt may ở Đức), về chất lượng hoàn thiện của bộ suit có thể khẳng định là “giặt ướt thoải mái mà không bị mất phom hay rộp” và giá cả hợp lý. Nhược điểm: hơi cứng nhắc với những mẫu suit mới mẻ (so với yêu cầu của những khách hàng khác); chất lượng các mẫu vải có sẵn tại cửa hàng không thật tốt.

– Dandy Bespoke (số 23B Tràng Thi): Điểm nổi trội nhất của Dandy là có rất nhiều mẫu vải để khách chọn lựa, từ vải mầu đến kẻ – tín hiệu đáng mừng cho thấy sự hòa nhập vào xu hướng chung của làng thời trang quốc tế. Tại đây, người viết gặp được những màu vải khá hiếm. Dandy đang có những nỗ lực đáng kể gia tăng chất lượng phục vụ. Đặc biệt, với dịch vụ “Bespoke” 4 lần thử áo, cho phép khách hàng có quyền lựa chọn mọi chi tiết của bộ suit.

Nếu ở Hà Nội, bạn cũng có thể tìm đến một số địa chỉ khác như Xuân Lê Designer (số 55 Phan Chu Trinh), Nhà may Nam (số 72 Hàng Gà), Đức Classic (số 73 Nguyễn Hữu Huân), HQ-Empire (gác 2, số 29 Nguyễn Hữu Huân)… Một số nhà may tại Sài Gòn: Dũng Tailor (số 221 Lê Thánh Tôn), H&D Tailor (số 76 Lê Lai), Nhựt Tailor (số 232 Lê Thánh Tôn), SIR Bespoke Tailoring (số 85 Nguyễn Huệ)…

Lời khuyên: Việc người thợ cắt may nhớ tên bạn là cực quan trọng. Tức là, hãy đến cửa hàng nhiều hơn một lần, hãy làm cho ông/anh ta nhớ đến bạn, nắm được đặc điểm hình thể, thói quen… Hãy mời ông/anh ta một điếu thuốc, nói vài chuyện phiếm. Qua đó, tiết lộ bạn làm nghề gì, thường mặc suit khi nào, khuyết điểm nào trên cơ thể mình mà bạn thấy cần lưu ý, bộ suit lần trước may có điều gì chưa vừa ý và kỳ vọng ở lần may này.

Kinh nghiệm:
– Người thanh mảnh: Nên đề nghị ve áo nhỏ dưới 6,5 cm. Ve nhọn (peak lapel) sẽ “ăn gian” được một chút ở ngực, tạo cảm giác khỏe khoắn và quyền uy. Chọn xẻ giữa, vì áo hai đường xẻ không thật phù hợp trong trường hợp này nếu thân người không đủ bề rộng sẽ khiến đuôi áo bị vểnh.

– Người đậm đà: Ve áo lớn hơn. Ve áo cũng tỉ lệ thuận với vóc dáng người mặc. Dáng người to hơn ve áo sẽ lớn hơn và áo nên xẻ chữ V.

– Người thấp: Chiều dài chuẩn mực của thân áo vest ngang bằng với đũng quần nhưng ở trường hợp này nên đề nghị thợ cắt nâng áo cao hơn một chút. Chiều dài quần vừa đủ để có khoảng gẫy 2cm dưới gấu, vừa đủ để chớm chạm vào cổ giầy.

– Người cao: Theo chiều dài chuẩn mực của thân áo, trong khi quần nên dài hơn một chút. Thực tế, không có quần được may quá dài hay quá ngắn. Chỉ có duy nhất một cỡ: vừa đủ. Dáng quần đẹp nhất khi mặc vào tạo nên hình búp xuôi xuống dưới.

– Nếu bộ suit bạn may là vải sọc hoặc kẻ ô, hãy lưu ý thợ may ghép vải sao cho đoạn tiếp giáp giữa các miếng vải đảm bảo sự liền mạch của họa tiết.

– Bạn hoàn toàn không cần thiết phải đeo thắt lưng nếu chiếc quần được may hoàn hảo. Cá nhân người viết thường có thói quen không mang thắt lưng. Không đeo thắt lưng giúp tạo sự liền mạch trong tổng thể trang phục (nếu bạn có chiều cao khiêm tốn thì điều này cực kỳ hữu ích).

– Trong lần thử đầu tiên hãy chú ý tới độ rộng eo áo: không được rộng quá hoặc có cảm giác bị căng – hậu quả của việc bó (slimfit) quá đà. Độ rộng hoàn hảo của eo áo là khi lùa bàn tay vào thấy vừa đủ. Khi nhìn thẳng trong gương bạn thấy có đường cong của eo, khi nhìn ngang thấy áo bám lưng là ổn. Vai áo gọn (bóp vào vai thấy vừa tay, không bị chùng vải) là được.

Bạn hãy để ý những mẫu suit minh họa trong bài viết, độ dài của quần luôn ở mức chớm cổ giầy, để lộ khoảng 1cm tất và thân áo ôm hoàn hảo với người mặc. Nếu bạn được nhà may giải thích rằng do bạn gầy quá hay vòng bụng quá lớn khiến thân áo không được phẳng thì hãy phản bác. Đường cong của thân áo được tạo ra bởi đường cắt. Về nguyên tắc, chúng không được giằng nhau khi cài khuy. Nếu có thân áo không phẳng, điều đó có nghĩa là người thợ cắt may mắc lỗi.

Tạm kết
Giờ bạn đã có thể lên kế hoạch đặt may một bộ suit mới rồi đấy. Đừng e ngại việc trở thành người đàn ông mặc đẹp nhất, hãy mặc bộ suit yêu thích của mình tới bất cứ đâu. Nói như Mario Pozzi, nghệ nhân may suit nổi tiếng ở Milan: “Khoác suit vào và cứ giữ nguyên như thế. Hãy tiếp tục mặc nó trong hai ngày. Ăn cùng suit. Ngủ cùng suit. Khi ấy, nó không chỉ còn là một bộ suit đẹp nữa. Nó sẽ trở thành một phần của người mặc.”

Tất nhiên việc có được một bộ suit đẹp chưa phải là tất cả. Câu hỏi tiếp theo là bạn sẽ mặc chúng như thế nào? Câu trả lời người viết sẵn lòng chia sẻ cùng các bạn trong một bài gần đây. Hãy luôn quan sát, học hỏi và kết hợp với điều bạn thực sự mong muốn. Đó chính là bí quyết của mọi bí quyết.

Nguồn: Sưu tầm

Bình luận:
binh-luan

Nell

23/09/2022

Смотреть фильмы онлайн бесплатно и легально.. Открыто смотреть онлайн в хорошем качестве бесплатно фильмы. Йип! кино смотреть онлайн. Iep! 2010 год.

Viết bình luận của bạn:

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo